Khi mới đặt chân đến nước Mỹ chắc hẳn sẽ gặp phải nhiều rào cản và khó khăn cả về cuộc sống và công việc. Một trong những thách thức lớn nhất đó là tìm được một công việc phù hợp với kinh nghiệm của bản thân. Tuy nhiên, với những chiến lược đúng đắn và chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn hoàn toàn có thể nhanh chóng hòa nhập và tìm kiếm việc làm thành công. Dưới đây là một số gợi ý hữu ích giúp bạn có thể tìm việc làm khi mới đến Mỹ định cư.
Các loại visa và quyền lợi tương ứng
Để có thể tìm kiếm được một công việc phù hợp thì trước tiên bạn cần nắm các loại visa tương ứng với quyền làm việc nào tại Mỹ, bởi mỗi loại khác nhau sẽ có các điều kiện và hạn chế nhất định như:
Visa làm việc tạm thời: visa phổ biến là diện H1B, L1. Loại visa này được sử dụng khi công ty doanh nghiệp ở Mỹ bảo lãnh cho bạn để bạn được phép làm việc tại Mỹ, khi visa này hết hạn nếu công ty không tiếp tục bảo lãnh bạn sẽ phải trở về nước. Nếu bạn muốn chuyển sang công việc mới, cần xem xét các quy định về chuyển diện visa hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ luật sư di trú.
Visa du học (F1): Đây là loại visa bạn dùng để đi du học, do đó sẽ bị giới hạn công việc có thể làm. Thông thường bạn chỉ được phép làm những công việc trong khuôn viên trường, làm thực tập sinh tại các công ty liên quan đến ngành học, hoặc làm những công việc part time.
Thẻ Xanh Mỹ: Nếu bạn đang sở hữu thẻ xanh thì xin chúc mừng bạn, vì bạn có thể tự do tìm kiếm và làm các công việc tùy theo sở thích cá nhân trên toàn nước Mỹ.
Chuẩn bị hồ sơ xin việc theo phong cách Mỹ
Để có thể tìm kiếm một công việc nhanh chóng và đúng với mục tiêu của bản thân bạn nên chuẩn bị một hồ sơ xin việc chỉnh chu và kỹ lưỡng nhất. Ở Mỹ các nhà tuyển dụng sẽ chú trọng vào CV và thư xin việc được chuẩn bị ngắn gọn, xúc tích, tập trung chủ yếu vào kinh nghiệm và kỹ năng làm việc làm của bạn.
CV (Resume): nên trình bày gọn gàng, ngắn gọn nhất có thể (nếu kinh nghiệm dưới 10 năm chỉ nên dài khoảng 1 trang), tập trung vào kinh nghiệm công việc, kỹ năng chính và thành tựu nổi bật nhất.
Thư xin việc (Cover Letter): Mỗi lần ứng tuyển, bạn nên viết thư xin việc cá nhân hóa cho vị trí bạn quan tâm. Đề cập đến lý do bạn quan tâm đến công ty và những kỹ năng đặc biệt nào của bạn phù hợp với yêu cầu công việc.
Bằng cấp và chứng chỉ: Đối với một số ngành nghề đặc thù yêu cầu bằng cấp chứng chỉ, bạn sẽ cần tìm hiểu xem những bằng cấp hiện tại có được công nhận ở Mỹ hay không. Nếu có hãy đính kèm với Cover letter để có cơ hội được ứng tuyển cao hơn.
Tìm việc nhờ tận dụng mối quan hệ Networking
Networking là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng giúp bạn tìm được một công việc nhanh chóng. Một số gợi ý giúp bạn mở rộng mạng lưới quan hệ như:
Tham gia các sự kiện cộng đồng: Các sự kiện kết nối cộng đồng người Việt hoặc cộng đồng quốc tế là cơ hội tuyệt vời để gặp gỡ những người đã sống và làm việc tại Mỹ. Họ có thể giúp bạn định hướng hoặc giới thiệu bạn đến các cơ hội việc làm tiềm năng.
LinkedIn: LinkedIn là một trong những công cụ mạng xã hội và tìm kiếm việc làm phổ biến hàng đầu tại Mỹ. Hãy tạo một hồ sơ LinkedIn chuyên nghiệp, kết nối với các đồng nghiệp trong ngành và tham gia vào các nhóm, diễn đàn để tiếp cận với nhiều cơ hội hơn.
Tham gia hiệp hội ngành nghề: Nếu bạn làm việc trong một ngành đặc biệt như IT, y tế, hoặc tài chính, hãy tìm đến các hiệp hội ngành nghề hoặc các sự kiện chuyên ngành để xây dựng mối quan hệ và học hỏi từ những người đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình.
Tìm việc thông qua các trang web tuyển dụng
Ở bất kỳ quốc gia nào cũng có những website về tuyển dụng giúp bạn tiếp cận với nhiều cơ hội việc làm và ứng tuyển nhanh chóng dễ dàng hơn. Ở Mỹ cũng không ngoại lệ, có một số trang web tuyển dụng phổ biến như:
Indeed: Đây là một trong những trang tìm việc lớn nhất tại Mỹ với hàng triệu công việc từ nhiều ngành nghề.
LinkedIn: Ngoài vai trò là nền tảng kết nối chuyên nghiệp, LinkedIn cũng có nhiều công việc được đăng tuyển mỗi ngày.
Glassdoor: Không chỉ đăng tin tuyển dụng, Glassdoor còn cung cấp các đánh giá công ty và thông tin về mức lương, giúp bạn hiểu rõ hơn về môi trường làm việc.
CareerBuilder và Monster: Đây là hai trang tìm việc nổi tiếng khác tại Mỹ với nhiều công việc trong các lĩnh vực khác nhau.
Khi tìm kiếm công việc qua các trang web này, hãy sử dụng các từ khóa liên quan đến ngành nghề của bạn, đồng thời lọc vị trí theo khu vực địa lý để tìm được công việc phù hợp nhất nhé.
Tìm việc thông qua dịch vụ hỗ trợ việc làm cho người mới nhập cư
Ngoài những trang website tuyển dụng ở trên bạn cũng có thể tận dụng dịch vụ hỗ trợ việc làm của các tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ như:
American Job Centers: Đây là hệ thống các trung tâm hỗ trợ tìm việc làm trên toàn quốc. Bạn có thể nhận được hỗ trợ từ tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm, và tham gia các buổi hướng dẫn kỹ năng phỏng vấn để nâng cao khả năng ứng tuyển thành công.
Refugee and Immigrant Centers: Nhiều trung tâm hỗ trợ người nhập cư cung cấp các khóa học ngôn ngữ, kỹ năng làm việc và kết nối với các nhà tuyển dụng địa phương.
Tổ chức phi lợi nhuận Upwardly Global: Đây là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ người nhập cư và tị nạn có tay nghề cao tìm kiếm việc làm phù hợp tại Mỹ. Tổ chức này cung cấp các khóa học kỹ năng xin việc và kết nối nhà tuyển dụng với người tìm việc. Bạn cũng có thể tận dụng dịch vụ này để nâng cao khả năng tìm được việc làm tại Mỹ.
Ngoài ra, nếu bạn chưa tìm được một công việc chính thức, bạn cũng có thể cân nhắc lựa chọn những công việc part time tạm thời hoặc tham gia các chương trình thực tập. Nhờ đó, có thể tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc và cải thiện khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt hơn cũng như hiểu được văn hóa Mỹ hơn. Qua đó xây dựng mạng lưới quan hệ và có thể dẫn đến cơ hội việc làm lâu dài.
Tìm việc làm khi mới đến Mỹ có thể là một hành trình đầy thử thách, nhưng với sự chuẩn bị kỹ càng và nỗ lực hết sức, bạn hoàn toàn có thể thành công. Hãy tập trung vào việc hiểu rõ quy định lao động, tận dụng các trang web tuyển dụng, mở rộng mạng lưới quan hệ và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ việc làm. Cùng với đó, không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn và không ngại thử sức với những công việc tạm thời sẽ giúp bạn dễ dàng hòa nhập và đạt được mục tiêu nghề nghiệp tại Mỹ.
Chúc bạn có một hành trình thuận lợi và thành công!